Người phụ nữ Lào Cai đầu tiên dịch Truyện Kiều sang chữ Việt cổ

 

Cô Mơ chia sẻ: "Tôi cũng như bao người ham thú văn chương khác, rất mê Truyện Kiều. Bởi vậy, ngay sau khi đọc thông viết thạo chữ của cha ông, tôi đã nghĩ ngay đến việc dịch Truyện Kiều sang chữ Việt cổ. Tôi coi đó như quà tặng kỷ niệm cho niềm đam mê văn thơ của chính mình và tôi cũng muốn mọi người tìm đến chữ Việt cổ ngày một nhiều thêm".

 

Truyện Kiều Nguyễn Du

 

Bây giờ, nhiều lúc viết chữ quốc ngữ cô lại quen tay viết thành chữ Việt cổ.

Nhiều người, thậm chí cả người thân trong gia đình nghĩ cô gàn dở vì cô có thể ngồi cả ngày, cả đêm bên thứ chữ hình que, hình gậy. Nhưng với riêng cô, đó là đam mê, là sở thích và hơn hết là niềm tự hào, tự tôn dân tộc vì lâu nay nhiều người vẫn nghĩ người Việt Nam chỉ mượn chữ, không có chữ của riêng mình.


Nhìn thấy đã... mê


Đó là tâm sự thân tình của cô Hoàng Thị Mơ (SN 1964) ở đường Điện Biên Phủ, TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai) về chữ Việt cổ. Tôi đã có dịp tìm hiểu về chữ Việt cổ, nhất là khi tham dự  hội thảo khoa học (ở Hà Nội) về việc công bố với thế giới, nước Việt Nam đã có chữ của cha ông từ thời các Vua Hùng dựng nước.


Cô kể: "Lần đầu tiên nhìn thấy loại chữ này, tôi đã nghĩ nó là thứ chữ của thầy cúng. Tôi nghĩ mãi không hiểu tại sao người ta lại có thể tiết kiệm giấy đến mức viết cái ký tự loằng ngoằng như vậy. Nhưng rồi, khi biết đó là chữ Việt cổ thì tôi đã mừng đến phát khóc. Xưa nay, Việt Nam chúng ta vẫn mang tiếng là dùng chữ mượn.


Vậy nên khi biết, đó là chữ của người Việt cổ, tôi đã thấy mê và muốn học cho bằng được".

Lần theo số điện thoại ghi trên bài thơ do một người anh đang sinh hoạt ở câu lạc bộ thơ dưới Hà Nam mang lên cho, cô Mơ đã xin được bảng chữ cái chữ Việt cổ từ các cụ đang sinh hoạt trong một trung tâm văn hóa ở Hà Nội. Chỉ hai ngày sau khi nhận được bảng chữ cái, cô say mê nghiên cứu, học chữ như đứa trẻ lớp một ngỡ ngàng tò mò ghép những con chữ đầu tiên.

 

Cô Hoàng Thị Mơ được coi là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất ở Lào Cai thông thạo chữ Việt cổ


Thắp sáng niềm tự hào


Thời gian đầu học chữ Việt cổ, cô Mơ cũng mất vài tuần bỡ ngỡ với thứ chữ hình que, hình gậy ấy. Nhưng khi đã ghép được vần và viết được chữ thì cô lại ham mê đến mức có thể thức cả đêm để học chữ. Có những lúc, chồng thấy cô trắng đêm không ngủ đã lắc đầu mà rằng: "Tôi chịu bà. Tôi thì chỉ thích những cái gì là "tiền tươi thóc thật" thôi, chứ cứ mày mò như bà thì tôi không chịu nổi". Đến cả những người con của cô cũng cảm thấy mẹ mình hình như có chút "gàn dở".


Khi cô nhờ các con đi in cuốn Truyện Kiều mà cô đã mất gần một tháng để dịch sang chữ Việt cổ, người con nào cũng lắc đầu và không muốn làm, vì con của cô Mơ không hiểu chữ Việt cổ. Thế nhưng, cô Mơ vẫn không hề nản chí và quyết tâm truyền dạy cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ.


Cô Mơ chia sẻ: "Muốn người ta học thì trước hết phải tìm cách làm cho người ta hiểu tầm quan trọng của việc tìm ra chữ Việt cổ. Nó không đơn thuần là những con chữ nằm im trên trang giấy mà nó là tự tôn của cả một dân tộc sau mấy nghìn năm bị coi là đồng hóa, vay mượn về chữ viết. Chữ Việt cổ là điều mà mỗi người Việt Nam đều có thể tự hào rằng, chúng ta cũng có chữ viết của riêng mình ngay từ thời khai hoang mở nước".


Cô Mơ bắt đầu biết đến chữ Việt cổ từ khoảng tháng 10/2012. Cho đến nay, cô đã có thể đọc thông viết thạo thứ chữ của tổ tiên. Không những vậy, cô còn thường xuyên sáng tác thơ bằng chữ Việt cổ và đã dịch xong 3.254 câu Kiều từ chữ quốc ngữ sang chữ Việt cổ. Cô Mơ chia sẻ: "Tôi cũng như bao người ham thú văn chương khác, rất mê Truyện Kiều. Bởi vậy, ngay sau khi đọc thông viết thạo chữ của cha ông, tôi đã nghĩ ngay đến việc dịch Truyện Kiều sang chữ Việt cổ. Tôi coi đó như quà tặng kỷ niệm cho niềm đam mê văn thơ của chính mình và tôi cũng muốn mọi người tìm đến chữ Việt cổ ngày một nhiều thêm".


Cô Mơ kể: "Nhiều lần, các bác dưới Hà Nội biết tôi ham mê chữ cổ thì đánh đố tôi bằng cách gửi lên cho tôi những lá thư viết chữ Việt cổ bằng thư pháp. Thế nhưng, tôi vẫn có thể đọc hiểu và mặc dù tôi chưa thạo chữ thư pháp nhưng khi tôi viết thư trả lời bằng chữ Việt cổ thì các bác đều gọi điện lên khen chữ viết chuẩn và đẹp".


Điều làm cô Mơ thích thú nhất với chữ Việt cổ, đơn giản vì nó là chữ của tổ tiên. Đó là chữ độc quyền của người Việt mình, là niềm tự hào với bạn bè thế giới về nguồn cội của chúng ta. Nhiều người hàng xóm thấy cô Mơ viết thứ chữ loằng ngoằng này thì ngạc nhiên lắm và cũng muốn cô dạy cho họ. Cô Mơ rất vui vẻ cho biết: "Tôi luôn sẵn sàng dạy bất cứ ai, chỉ cần họ muốn học là có thể học được. Ban đầu, khi mới nhìn vào sẽ thấy rất khó để học, nhưng nếu học bằng niềm tự hào dân tộc thì tôi tin họ cũng sẽ có lúc đọc thông viết thạo như tôi".


Điều khiến cô Mơ trăn trở nhất là ở TP. Lào Cai không nhiều người tìm hiểu và học chữ Việt cổ. Có những lúc, cô muốn có người thông thạo chữ như mình để trao đổi văn chương bằng chữ Việt cổ nhưng không có. Bởi vậy, nhiều người ưu ái gọi cô là người đầu tiên và duy nhất ở Lào Cai cho đến nay có thể đọc thông viết thạo chữ Việt cổ.\


Viết chữ Việt cổ bây giờ đã thành một thói quen mà nhiều lúc đang viết chữ quốc ngữ bình thường cô lại ngẫu hứng chèn chữ Việt cổ vào mà không biết. Cô kể: "Hôm trước, cậu con trai nhờ tôi viết cho cháu cái đơn xin nghỉ học vì cháu bị ốm mà con lớn lại bận. Tôi cứ theo thói quen viết luôn đơn bằng chữ Việt cổ, định đưa cho cô giáo thì may quá con dâu phát hiện, tôi mới giật mình, đem đơn ra viết lại. Nhiều lần viết văn bản gì đó, tôi cũng quen tay chèn thêm mấy chữ Việt cổ vào khiến mọi người không sao dịch được…”.


Mong muốn có câu lạc bộ những người yêu chữ Việt cổ


Hỏi về những dự định của mình, cô Mơ chia sẻ: "Bây giờ, tôi mới có cháu nội nên khá bận, chỉ có thời gian buổi tối ngồi sáng tác thơ bằng chữ Việt cổ. Nhưng tôi vẫn mong sớm thành lập được một câu lạc bộ những người yêu thích và muốn học chữ Việt cổ ở chính quê hương mình để lưu truyền cho con cháu đời sau tự hào về thành tựu rực rỡ của cha ông mình. Nó không chỉ là chữ mà nó còn là niềm tự hào với bạn bè thế giới”.


Người học trò đặc biệt


Theo đánh giá của thầy giáo Đỗ Văn Xuyền (SN 1937), một trong những người đầu tiên tìm và dịch chữ Việt cổ thành công thì cô Mơ là  người học trò đặc biệt. Đặc biệt vì trên thực tế, cô chỉ có trong tay bảng chữ cái, không ai hướng dẫn, dạy bảo nhưng chưa đầy một tuần đã có thể mày mò, ghép vần và viết thư gửi xuống cho ông xem mà trong bức thư đó không có chữ nào viết sai, dù nét chữ ban đầu không đẹp lắm. "Tôi đã đón tiếp khá nhiều đoàn người tìm về nhà tôi xem và muốn học chữ Việt cổ, có cả người nước ngoài. Ai cũng tỏ ra xúc động và tự hào về chữ viết của cha ông mình. Thế nhưng, say mê học hỏi và thành công như cô Mơ quả là hiếm, một học trò xuất sắc và đáng nêu gương", ông Xuyền cho biết.